NGẮM NHÌN CAM LÂM - KHÁNH HÒA DƯỚI LĂNG KÍNH CỦA TRẠI HÈ QUỐC TẾ URBAN BEYOND THE URBAN 2024
Cuối tháng 7/2024, Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, kết hợp cùng Đại học Handong Global (Hàn Quốc), Đại học Ngurah Rai (Indonesia), Đại học KU Leuven (Bỉ), và Đại học Trieste (Ý), tổ chức Trại hè Quốc tế Vươn tầm Đô thị (Urban Beyond the Urban - UBU) 2024 tại Cam Lâm - Khánh Hòa. Năm nay, trại hè lấy chủ đề “Tiếp cận Thông minh: Nền tảng Đồng Sáng tạo và Giải pháp Thuận tự nhiên cho Cam Lâm, Khánh Hòa”.

Nơi giờ đây là những tòa nhà chọc trời, ít ai biết trước đó đã từng là nơi tồn tại của những cồn cát kết hợp cùng bụi cây, trải dài dọc hệ thống đầm nước do thiên nhiên tạo thành. Một khu vực vốn có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, giờ đây là những công trình bê tông, các vùng trắng phủ kín vùng xanh. Đó chính là tương lai có thể nhìn thấy được của một khu vực đô thị phát triển không dựa vào các đặc điểm tự nhiên đang sở hữu.
Tiếp nối thành công của năm trước đó, Chương trình Trại hè Quốc tế Vươn tầm Đô thị 2024 ( hay còn gọi là Urban Beyond the Urban - UBU 2024) đã đặt chân đến Cam Lâm - Khánh Hòa. Chương trình lấy chủ đề là “Tiếp cận Thông minh: Nền tảng Đồng Sáng tạo và Giải pháp Thuận tự nhiên cho Cam Lâm, Khánh Hòa”, mở ra một hành trình đi tìm đáp án để giữ gìn mảng xanh hiện hữu và phủ xanh mảng xám ở khu vực giàu tiềm năng này. Hành trình này đã có sự quan tâm và gắn bó của gần 30 bạn trẻ đến từ Việt Nam, Hàn quốc và Indonesia.

Chương trình có sự tham gia của GS. Elena Marchigiani (Khoa kỹ thuật và kiến trúc, Đại học Trieste, Ý), GS. Bruno De Meulder (Giám đốc Chương trình Thạc sĩ, Đại học KU Leuven, Bỉ), GS. Kelly Shannon (Giám đốc chương trình thạc sĩ Định cư Con người, và Chương trình thạc sĩ Đô thị, Cảnh quan và Quy Hoạch, Đại học KU Leuven, Bỉ), TS. Ducksu Seo (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật hệ thống môi trường không gian, Đại học Handong Global, Hàn Quốc), Ông Tjokorda Suryawan (Chuyên viên Hợp tác Quốc tế, Đại học Ngurah Rai, Indonesia).
Về phía Ủy ban Nhân dân huyện Cam Lâm, chương trình hân hạnh nhận được sự hỗ trợ và tham gia của ông Huỳnh Uy Viễn (Phó Chủ tịch UBND Huyện), ông Đỗ Minh Thạnh (Phó Chủ tịch UBND huyện), cùng đại diện các phòng ban, cơ sở ban ngành khác. Về phía Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chương trình có sự tham dự của TS. Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị Thông minh và Quản lý, và ThS. Trần Thị Quỳnh Mai - giám đốc chương trình Kiến trúc và Thiết kế Đô thị Thông minh.
Đồi, cát, và bãi biển - Cam Lâm và những ý tưởng để đô thị hóa nhưng không bỏ lại điều gì phía sau

“Cam Lâm là một vùng ngoại ô rất đẹp và hoang sơ. Tuy nhiên, khi phân tích qua bản đồ bắt đầu từ những năm 1960, rất dễ để nhìn thấy sự mất dần của những mảng xanh vốn có ở khu vực dọc Bờ biển Bãi Dài. Các khu du lịch, resorts đã thay thế những khu vực này thành từng mảng trắng và xám của cát và công trình.”
Quan sát thực tế, phỏng vấn người dân, và tham khảo chia sẻ đến từ các cơ quan ban ngành địa phương, các nhóm sinh viên đã đúc kết các nhận xét về thực trạng của Cam Lâm hiện tại, đồng thời đưa ra ý tưởng về những biện pháp thuận tự nhiên, và hơn hết là đáp ứng nhu cầu và đặc điểm lối sống của người dân ở vùng đất này.
Trong đó, nhóm 1 đã tập trung tăng cường quyền tiếp cận khu vực bờ biển. Giải pháp được đề xuất để “trả lại khu vực bờ biển cho cộng đồng” với ba loại thiết kế: biến đổi, kết hợp và bảo tồn. Các thiết kế này sẽ được áp dụng tùy theo cấu trúc dân cư hiện hữu và tiềm năng không gian, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận không gian công cộng mặt nước, giải quyết các vấn đề đô thị, duy trì sự kết nối và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với khu vực có sinh thái vô cùng đa dạng trải dài từ phía Tây sang phía Đông của Đầm thủy triều, nhóm 2 của trại hè UBU đã khám phá ra quy luật bị ẩn giấu của thiên nhiên, đặc biệt là mối liên kết giữa thiên nhiên và các hoạt động kinh tế - xã hội. Từ đó, ý tưởng được đưa ra nhấn mạnh vào sự phát triển đô thị nhưng vẫn giữ được đặc điểm của thiên nhiên, đặc biệt là của những đồi cát, thấu kính nước được thiên nhiên tạo thành.

Nhóm 3 đã đưa ra những kết luận về tính cần thiết trong các hoạt động đánh bắt bền vững, kiểm soát ô nhiễm và các nỗ lực bảo tồn tích cực là điều cần thiết. Nhóm chỉ ra rằng, các hoạt động thu hút cộng đồng địa phương và thực thi các quy định về môi trường có thể giúp bảo tồn Phá Thủy Triều cho các thế hệ tương lai.

Nhóm 4 đã mang đến khu vực chiến lược phát triển theo đặc trưng của Cam Đức. Thông qua các nghiên cứu, nhóm đã kết luận rằng kết nối giữa các mảng của khu vực là nền tảng quan trọng cho hệ sinh thái khỏe mạnh. Các mẫu phân mảnh của con người/ tòa nhà, địa hình, nước và thảm thực vật có thể được khôi phục bằng các giải pháp mới, cắt và thay thế các loài ngoại lai bằng các loài bản địa.
Nhóm 5 hướng đến mục tiêu tái cấu trúc lại khu vực và đời sống con người tỉnh Cam Ranh. Trong đó, nhóm đã đề xuất mở rộng khu vực đi bộ xuyên suốt bắt ngang Đầm Thủy Triều, từ đó tăng tính kết nối kinh tế. Không gian bỏ trống hiện hữu của khu vực sẽ thành một khu du lịch dân cư, truyền thống. Và hơn hết, khu vực dân cư được đề xuất để bắt đầu thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, nhất là đặt các khu phân loại rác trong khu vực dân cư, đặc biệt là trước cổng trường tiểu học để bước đầu giáo dục nhận thức về môi trường của người dân nơi đây.
Kết nối giữa những người trẻ đa ngành, đa quốc gia và đa tính cách
Là một phần không thể thiếu tại Trại hè Quốc tế Urban Beyond the Urban 2024, các sinh viên đến từ ba quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc và Indonesia đã có thời gian cùng nhau trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của Cam Lâm nói riêng và Khánh Hòa nói chung. Chỉ với 3 ngày làm việc, các bạn trẻ đã cùng tham gia các hoạt động bờ biển, cùng học tập và nghiên cứu các giải pháp thuận tự nhiên, và đặc biệt hơn là cùng nhau giao lưu văn hóa giữa các nước.
Và hơn hết, với các chuyên môn trải dài từ kiến trúc, thiết kế đô thị, quy hoạch đô thị đến khoa học dữ liệu, quản trị kinh doanh và truyền thông - thiết kế, Trại hè đã mang đến cho các sinh viên một môi trường làm việc đa ngành, đa quốc gia, và đa tính cách. Với sự kết hợp đặc biệt này, các giải pháp được đưa ra đều có góc nhìn đa chiều về Cam Lâm, đặc biệt là về sinh thái học của vùng đất này.
Kết thúc mùa hè tháng 7 ở ISCM, Chương trình Trại hè Quốc tế Urban Beyond the Urban ở Cam Lâm - Khánh Hòa đã để lại nhiều dấu ấn trên hành trình kết nối tri thức giữa sinh viên đến từ nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi tin rằng, cùng với những quan sát, khám phá và học hỏi xuyên suốt chuyến đi, các bạn đã hiểu hơn về một trong những yếu tố quan trọng cho một đô thị thông minh và bền vững. Quan trọng hơn, những kết nối mà các bạn đã có trong suốt chuyến đi với Cam Lâm, với thiên nhiên, và với những người bạn mới gặp sẽ chính là hành trang đầy ý nghĩa cho hành trình để một đô thị vươn khỏi tầm vóc của một đô thị phát triển nhanh, trở thành một đô thị phát triển bền vững.